Lý do Nhật Bản chậm trễ tiêm vaccine COVID-19 dù Thế vận hội sắp diễn ra

2021-02-28 09:39:00.0

Biểu tượng của thế vận hội Olympic tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, theo kênh CNN (Mỹ), quốc gia này chỉ bắt đầu tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho 126 triệu dân vào tuần trước, hơn 2 tháng sau khi vaccine này được triển khai tiêm chủng ở các nước lớn khác, như Mỹ và Anh.

Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, kể từ khi triển khai chương trình tiêm chủng vào đầu tháng 12/2020 cho đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 68 triệu liều vaccine.

Tại Nhật Bản, mới có khoảng 18.000 liều vaccine đã được phân phối cho người dân, theo chính phủ nước này.

Tỉ lệ mắc COVID-19 của Nhật Bản không cao như Mỹ hay Anh. Nhưng trong những tháng gần đây, hệ thống y tế của nước này đã phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, với hàng trăm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận hàng ngày.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Yoshihide Suga đang phải chịu áp lực giảm thiểu tình trạng lây lan trước khi Nhật Bản chào đón bạn bè quốc tế tham dự Thế vận hội mùa hè.

Giống như Mỹ, Nhật Bản đang sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech như một phần của chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Nhật Bản đã phải mất thêm 2 tháng để phê duyệt việc sử dụng loại vaccine này.

Chính phủ cho biết họ đã vô cùng thận trọng. Sau hàng loạt các vụ bê bối vaccine kéo dài 50 năm, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỉ lệ tin tưởng vào vaccine thấp nhất trên thế giới. Chính vì vậy, để có được niềm tin sau sự hoài nghi của người dân là một điều vô cùng quan trọng.

Quyết định phê duyệt vaccine chậm trễ cũng đã bị một số chuyên gia y tế chỉ trích. Tiến sĩ Kenji Shibuya, chuyên gia tại Đại học King, London (Anh), nói rằng việc triển khai vaccine chậm trễ và thiếu chiến lược của Nhật Bản cuối cùng sẽ phải trả giá bằng mạng sống.

Quy trình phê duyệt thận trọng

Pfizer/BioNTech đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 rộng rãi trong những tháng cuối năm 2020, tại khoảng 150 điểm thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil và Argentina.

Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm vaccine Pfizer/BioNtech từ giữa tháng 2. Ảnh: CNN

Ngày 19/11/2020, hãng dược phẩm này tuyên bố vaccine của họ có hiệu quả 95% trong việc ngăn virus SARS-CoV-2. Hai tuần sau, Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên phê duyệt khẩn cấp loại vaccine này, tiếp đến là Mỹ ngày 11/12. Ngày 31/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Pfize/BioNTech.

Nhưng phải 6 tuần sau đó, ngày 14/2/2021, Nhật Bản mới phê duyệt loại vaccine này, sau một thử nghiệm nhỏ trong nước ở 160 tình nguyên viên, có kết quả phù hợp với các thử nghiệm quốc tế.

Theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, việc phê duyệt vaccine đã diễn ra nhanh chóng. Trong khi thông thường, quá trình này có thể mất đến từ 1 đến 2 năm. ​​Nhưng những người chỉ trích nói rằng sự chậm trễ này đã khiến chính phủ mất đi nhiều thời gian quý báu.

“Với quy mô chỉ 160 người, thử nghiệm cũng không cung cấp bất kỳ bằng chứng khoa học nào về tính hiệu quả hoặc an toàn của vaccine”, ông Shibuya nói.

Ông Taro Kono, người phụ trách chiến dịch tiêm chủng vaccine của Nhật Bản, cho biết cuộc thử nghiệm lâm sàng của nước này được tiến hành để xây dựng lòng tin của công chúng đối với chương trình tiêm chủng.

"Tôi nghĩ điều quan trọng hơn là Chính phủ Nhật Bản phải cho người dân thấy rằng chúng ta đã làm mọi thứ có thể để chứng minh tính hiệu quả và an toàn của vaccine. Điều này nhằm khuyến khích người dân Nhật Bản đi tiêm vaccine. Chúng tôi có thể đã bắt đầu chậm hơn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ hiệu quả hơn”, ông Kono nói.

Bê bối vaccine và sự hoài nghi

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa The Lancet đã lập bản đồ niềm tin về vaccine ở 149 quốc gia từ năm 2015 đến năm 2019. Theo đó, dưới 30% người dân Nhật Bản đồng ý mạnh mẽ rằng vaccine an toàn, quan trọng và hiệu quả. Trong khi đó, có đến 50% người Mỹ tin tưởng điều này.

Các nhân viên y tế chờ hội chẩn sau khi tiêm vaccine COVID-19 ở Tokyo hôm 17/2. Ảnh: CNN

Từ những năm 1970, Nhật Bản đã ghi nhận các trường hợp kháng vaccine nguy hiểm. Hai trẻ sơ sinh đã tử vong trong vòng 24 giờ sau khi tiêm mũi vaccine kết hợp bạch hầu, uốn ván và ho gà. Loại vaccine này đã bị đình chỉ, nhưng niềm tin của người dân về vaccine từ đó bắt đầu lung lay.

Vài năm sau, tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ sơ sinh tại Nhật Bản đã giảm dần, dẫn đến tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà.

Vào cuối những năm 1980, một mối lo ngại khác lại xuất hiện khi Nhật Bản chế tạo caccine phòng bệnh sởi, quai bị và rubelle (MMR). Những cáo buộc ban đầu cho rằng loại vaccine này dẫn đến bệnh viêm màng não vô khuẩn, hoặc sưng màng quanh não và tủy sống. Nguyên nhân bắt nguồn từ thành phần quai bị của vaccine MMR. Vụ kiện đã được đệ trình lên toà án và đòi bồi thường lớn.

Vào năm 1993, Viện Khoa học Y tế Quốc gia đã ngừng tiêm vaccine kết hợp này và thay thế bằng vaccine riêng lẻ.

Sau vụ bê bối vaccine MMR, ông Shibuya cho rằng Chính phủ Nhật Bản đã "nhận thức được rủi ro" và chương trình tiêm chủng quốc gia của họ đã trở thành tự nguyện.

Tiến sĩ Yuho Horikoshi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nói rằng các vụ kiện đã dẫn đến một "lỗ hổng tiêm chủng". Điều này khiến không có loại vaccine nào được chấp thuận ở Nhật Bản trong khoảng 15 năm.

Gần đây, năm 2013, Nhật Bản đã bổ sung vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) vào chương trình quốc gia nhằm bảo vệ nữ giới khỏi virus lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, những video cho thấy nhiều người đã gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine đã lan truyền trên YouTube, khiến chính phủ phải loại bỏ vaccine này khỏi chương trình tiêm chủng.

Ủy ban Đánh giá Các phản ứng có hại của vaccine đã điều tra và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy mối liên quan giữa tác dụng phụ và vaccine HPV.

Giáo sư Shoji Tsuchida, chuyên gia Tâm lý Xã hội tại Đại học Kansai, nói: “Hầu hết những người không muốn tiêm phòng đều sợ các tác dụng phụ có thể xảy ra. Họ không tin vào những gì họ coi là khoa học 'giả mạo'. Các trường hợp tác dụng phụ của vaccine trước đây tại Nhật Bản, đặc biệt là trường hợp HPV, đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân".

Nỗ lực trấn an công chúng

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc người dân phản đối vaccine đang trở thành một thách thức của Chính phủ Nhật Bản khi nước này triển khai tiêm phòng COVID-19.

Các liều vaccine COVID-19 đầu tiên tại Nhật Bản sẽ được ưu tiên cho 3,7 triệu nhân viên y tế tuyến đầu. Người cao tuổi của nước này sẽ được tiêm chủng vào giữa tháng 4. 

Chính phủ Nhật Bản cũng đã yêu cầu một nửa số bác sĩ và y tá của đợt tiêm đầu tiên ghi "nhật ký quan sát", để theo dõi bất kỳ tác dụng phụ nào trong 7 tuần sau khi tiêm cả 2 liều vaccine.

Mặc dù việc triển khai vaccine hiện đã được tiến hành, cộng đồng y tế vẫn lo ngại về tình trạng phản đối vaccine. Điều đó đã khiến một nhóm bác sĩ, bao gồm cả Yuji Yamada ở New York, khởi động một chiến dịch khuyến khích người Nhật tiêm phòng COVID-19.

Mặc áo choàng bác sĩ màu trắng, Corowa-kun, một loại chatbot có nhiệm vụ trấn an những người còn hoài nghi bằng cách trả lời các câu hỏi về vaccine. Tên Corowa-kun bắt nguồn từ những từ tiếng Nhật có nghĩa là "virus Corona" và "vaccine". Cho đến nay, trên 55.000 người đã đăng ký ứng dụng này, 70% trong số đó là phụ nữ.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch cho Thế vận hội, ông Shibuya nói rằng chính phủ cần tập trung vào việc tuyên truyền cho công chúng rằngvaccine COVID-19 là an toàn, quan trọng và cần thiết. Ông nói rằng chính phủ cũng phải hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

“Hãy 'xoá sổ' virus SARS-CoV-2. Nếu không Nhật Bản sẽ lặp đi lặp lại tình trạng khẩn cấp do việc triển khai vaccine vô cùng chậm chạp này. Động lực cơ bản của họ là cải tạo nền kinh tế. Nếu họ muốn tổ chức Thế vận hội, họ thực sự cần phải ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2", ông Shibuya nói./.

Hải Vân
baotintuc.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 89562

XÃ QUYẾT THẮNG - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Xóm Thái Sơn 1, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Huy Hòa - Chủ tịch UBND

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân xã Quyết Thắng. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 02803.846.508
  • xaquyethang@gmail.com